Cách trồng rau má cực đơn giản tại nhà, không sâu bệnh

Tác giả: admin 08 tháng 02 năm 2023 5960 lượt xem
Cách trồng rau má tại nhà

Rau má là loại cây rất dễ trồng và chăm sóc tại nhà. Chỉ 2 tháng sau khi trồng là đã thu hoạch được và mỗi vụ trồng sẽ cho thu hoạch được 8 – 10 đợt.

Rau má là một loại rau thông dụng, không chỉ được sử dụng trong nấu ăn mà nó còn có nhiều tác dụng trong làm đẹp hoặc điều trị bệnh. Đó là lý do vì sao nhiều người muốn trồng rau má ngay tại nhà.

Cách trồng rau má cũng rất đơn giản, bạn có thể tận dụng  những chiếc thùng xốp, chậu nhựa, khay để gieo trồng và chăm sóc rau má ngay tại nhà với các bước cực kỳ đơn giản. 

Cùng tham khảo cách trồng rau má tại nhà hiệu quả và hướng dẫn chi tiết từng bước trồng qua bài viết này của Vua Rau Má nhé.

I. Tổng quan về Trồng rau má – Những điều cần biết

Từ xa xưa người ta đã sử dụng rau má làm thực phẩm và nguyên liệu chữa bệnh, làm đẹp. Sau khi có những công trình nghiên cứu chính thức về tác dụng của rau má, nhu cầu sử dụng loại rau này ngày một tăng cao. Vượt ngoài khả năng tự cung tự cấp, cây rau má đã được trồng tại nhiều nông trường cung cấp sản lượng và chất lượng phục vụ cho thị trường trong và ngoài nước. 

Người dân tại một số vùng như Long An, đã chọn cây rau má và coi nó như một giải pháp chuyển đổi cây trồng kinh tế, thay da đổi thịt vùng nông thôn. Rau má trồng theo tiêu chuẩn Vietgap đang được nhân rộng để đáp ứng tốt nhất nhu cầu sử dụng rau sạch, organic cho thị trường.

Trong những năm gần đây, trồng rau má tại nhà, trồng rau má làm giàu, trồng rau má trong chậu, trồng rau má xuất khẩu … là những vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều người. 

Để giúp người đọc biết cách trồng rau má sao cho hiệu quả, năng suất cao, Vua Rau Má xin chia sẻ thông tin liên quan trong phần dưới đây!

1. Giống rau má

Một trong 04 vấn đề quan trọng nhất trong trồng trọt của nhà nông chính là giống. Đối với cây rau má cũng vậy. Lựa chọn giống tốt quyết định tới 60% năng suất cây trồng. 

Hiện nay có nhiều giống rau má khác nhau. Trong đó có những giống rau má được chọn trồng phổ biến là: 

  • Rau má cọng tím: thân tím, có gai nhỏ và vành lá có răng cưa
  • Rau má mỡ: thân dày, cao, lá lớn, màu xanh mướt 
  • Rau má mèo: cây và lá nhỏ, bò sát mặt đất

Trong đó, giống rau má mỡ được đánh giá cao nhất bởi thành phần dinh dưỡng, hương vị ngon, thơm đặc trưng và năng suất cao.

Do đó, các nông trường rau má hiện nay đều ưu tiên sử dụng trồng rau má mỡ. Những ai có nhu cầu trồng rau má tại nhà thì cũng nên lựa chọn giống rau má này và mua tại các cơ sở cây giống uy tín.

Rau má mỡ là giống rau má được chọn trồng phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay.
Cây rau má mỡ

Cây rau má mỡ

Trong phần tiếp theo của bài viết, chúng tôi tập trung chia sẻ về cách trồng rau má mỡ tại nhà theo các cách khác nhau. 

2. Lợi ích trồng rau má – Vì sao trồng rau má ngày càng phổ biến?

Không phải ngẫu nhiên mà một loại rau mọc dại lại được nhân giống và trồng phổ biến như cây rau má. Bởi, rau má sở hữu những lợi ích tuyệt vời như:

  • Dùng trong chế biến đồ ăn, thức uống:

Không chỉ là món rau ngon miệng, có thể chế biến thành nhiều dạng khác nhau như xào, nấu canh, luộc, gỏi (nộm). Cây rau má còn được dùng làm thức uống bằng cách pha sinh tố, nước ép. Công dụng chữa bệnh và làm đẹp của rau má cũng đã có những công trình nghiên cứu tầm cỡ chứng minh. 

  • Dùng trong chữa bệnh:

Rau má được biết là thảo dược có đặc tính chống viêm rất hữu ích cho những người bị viêm khớp và các tình trạng viêm khác. Nó cũng đã được sử dụng để điều trị các bệnh về da như bệnh chàm và bệnh vẩy nến. Ngoài ra nó còn được sử dụng để điều trị các tình trạng sức khỏe khác nhau, bao gồm rối loạn tiêu hóa, suy dinh dưỡng, nhiễm trùng, mệt mỏi.

  • Dùng trong mỹ phẩm, làm đẹp:

Chiết xuất rau má được dùng để sản xuất thuốc ở các dạng viên nang và viên nén. Ngoài ra, rất nhiều hãng mỹ phẩm cũng lựa chọn tinh chất rau má để làm các sản phẩm dưỡng da, trị nám, dưỡng ẩm và chống lão hóa. 

Từ những công dụng to lớn và cách dùng phong phú của cây rau má cho nên việc trồng rau má thực sự mang đến rất nhiều lợi ích cả về sức khoẻ, làm đẹp đến lợi ích kinh tế.

3. Đặc điểm cây rau má & điều kiện trồng

Trồng rau má tại nhà có khó không?

Cách trồng rau má không hề khó. Thậm chí, bạn có thể trồng rau má trong nhà, trên sân thượng, tận dụng các thùng xốp bỏ đi để có thêm nguồn rau sạch cho gia đình.

Trong thực tế, trồng rau má tại nhà khác với trồng rau má ở cánh đồng, trồng rau má trong bóng râm. 

Trước khi bắt tay trồng, bạn cần hiểu một số đặc điểm cơ bản của cây rau má để có cách chăm sóc, canh tác phù hợp, đạt hiệu quả cao:

    • Rau má khá nhạy cảm với điều kiện thời tiết. Môi trường mưa nhiều, nắng nóng, hay sương mù thường xuyên đều ảnh hưởng không tốt đến năng suất của rau má. 
    • Rau má mọc bò sát mặt đất nên rất dễ trồng, có thể trồng ở đất ruộng với diện tích lớn hoặc trồng trong các thùng xốp, chậu, khay tại nhà
    • Rau má thích nắng. Đây là loại cây ưa sáng,  do đó nên trồng ở nơi dễ dàng đón ánh nắng mặt trời vừa phải, phù hợp.
    • Có thể trồng rau má quanh năm, nhưng lý tưởng nhất là cuối mùa mưa. 
  • Rau má ưa ẩm mát nên thường xuyên tưới nước vừa phải cho rau má để cây giống sinh trưởng tốt.

4. Trồng rau má bao lâu có thể thu hoạch?

Thu hoạch là công đoạn nhiều người mong chờ nhất. Rau má là loại cây cho thu hoạch nhanh. Do đó, nếu trồng đúng cách, chăm sóc đúng kỹ thuật thì sau 5-6 tuần ta sẽ được thu hoạch lứa rau má đầu tiên

Bạn hãy thu hoạch bằng cách tỉa những cọng lá, chừa lại phần thân và rễ để cây tiếp tục cho ra nhánh và lá mới. Mỗi vụ rau má sẽ cho thu hoạch khoảng 8 – 10 đợt.

5. Có mấy cách trồng rau má tại nhà?

Như đã đề cập, rau má mỡ là giống rau má thường được trồng tại nhà nhiều nhất để phục vụ cho mục đích ăn uống, làm đẹp, chữa bệnh. 

Rau má mỡ được trồng với nhiều cách thức khác nhau, bao gồm:

  • Trồng rau má bằng hạt.                                                                                                                                                                                                                                             
  • Trồng rau má bằng cành.
  • Trồng rau má thuỷ canh.

Phần dưới đây, chúng tôi sẽ chia sẻ lần lượt từng cách trồng rau má tại nhà.

II. Hướng dẫn trồng rau má bằng hạt tại nhà

Bạn có thể trồng rau má bằng hạt tại nhà bằng thùng xốp, hoặc bằng khay, chậu đều cho kết quả tốt. 

1. Chuẩn bị trước khi trồng cây giống rau má bằng hạt

Khi trồng rau má bằng hạt tại nhà, bạn cần chuẩn bị:

  • Hạt giống: lựa chọn giống rau má mỡ (thân to dày, lá to)
  • Giá thể trồng rau má: là hỗn hợp của các vật liệu có thể giữ nước, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của cây rau má.
  • Đất: Rau má là loại cây không kén đất, bạn có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau: Đất thịt pha cát, đất tơi xốp và loại đất phèn. Tuy nhiên, nên sử dụng đất thịt pha cát là lý tưởng nhất.
  • Chậu nhựa: Nếu không có chậu nhựa, bạn có thể trồng rau má vào trong thùng xốp, khay,… Có thể đục lỗ dưới đáy thùng xốp để đảm bảo cho việc thoát nước tốt. 

Điều quan trọng là, bạn cần phải đảm bảo một số yếu tố khác nữa về đất trồng rau má như độ tơi xốp, thoát nước, môi trường không sâu bệnh,…

Mẹo: 

  • Nên chọn loại hạt giống rau má chất lượng uy tín. Ví dụ: hạt giống rau má lá nhỏ Rado 05, rau má PN 58,… Thu hoạch sau 45 – 60 ngày sau gieo
  • Rau má không ưa ngập úng do đó khi trồng bằng hạt cần lựa đất tơi xốp và thoát nước tốt.
  • Nên sử dụng đất thịt pha cát để trồng rau má. 
  • Nếu đất trong chậu vừa trồng hay để đã lâu, bạn có thể dùng vôi rải lên, tưới ẩm và phơi để diệt mầm bệnh.
  • Tầm 10 ngày trước khi gieo hạt giống, có thể tăng cường dinh dưỡng cho đất bằng cách trộn thêm với vỏ trấu, xơ dừa, phân gà, phân bò, phân vịt,…

2. Các bước trồng rau má bằng hạt tại nhà

Các bước trồng rau má tiến hành rất đơn giản, trong đó các bước chính là:

  • Bước 1: Gieo hạt đều tay, không cần ngâm

Hạt rau má có khả năng nảy mầm dễ dàng, nhanh chóng nên không cần phải tiến hành ngâm. Sử dụng hạt rau má sau khi mua tại cửa hàng hạt giống uy tín, gieo trực tiếp vào chậu đất. Nên gieo hạt đều tay, tránh tình trạng chỗ quá dày, chỗ quá mỏng.

  • Bước 2: Tưới nước duy trì độ ẩm

Sau khi gieo hạt thì tưới nước nhẹ nhàng nhằm duy trì độ ẩm cần thiết cho đất. Sau khi tưới nước cần phủ một lớp đất mỏng, hoặc một lớp tro trấu lên trên để giữ ẩm cho đất.

  • Bước 3: Tạo môi trường lý tưởng cho hạt nảy mầm

Phủ rơm, rạ lên mặt luống trong khoảng từ 3 – 5 ngày đầu sau khi gieo hạt để tạo điều kiện lý tưởng cho hạt rau má nảy mầm. Sau đó, cần dỡ bỏ lớp che phủ để hạt nảy mầm và đón ánh sáng.

Lưu ý: 

  • Gieo hạt rau má trực tiếp vào đất hoặc ủ trước khi trồng.
  • Rạch hàng thẳng gieo hạt hoặc gieo đều cả khay với mật độ vừa phải.
  • Gieo hạt giống khoảng 1cm, không cần quá sâu và không quá dày.
  • Nhiệt độ thích hợp nhất để trồng cây rau má là khoảng 25 – 27 độ C.

3. Cách chăm sóc hạt rau má giống đã gieo

Hạt rau má sau khi gieo khoảng 1 tuần lúc này sẽ nảy mầm thành cây con. Lúc đó việc chú ý chăm sóc đúng cách, kỹ lưỡng khi trồng rau má cần được đảm bảo. 

► Cách tưới nước và tỉa cây: 

  • Tưới nước: Tưới nước 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều mát với lượng vừa đủ, sử dụng nước sạch. Đối với những ngày có mưa, cần ngừng tưới, không để tình trạng ngập úng khiến cây bị thối rễ, chết.
  • Tỉa cây: Vào thời điểm cây trồng được khoảng 2 tuần tuổi lúc này nên tỉa bớt những cây mọc quá dày giúp cây rau má phát triển lý tưởng nhất. 
  • Làm cỏ: Làm cỏ đều đặn, thường xuyên, giúp cây rau má có không gian phát triển, tránh tình trạng bị tranh chấp chất dinh dưỡng.

► Cách bón phân: 

Khi trồng rau má từ hạt, nên sử dụng phân bón hữu cơ rong biển hoặc phân gà hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh Đầu Trâu. Những loại phân bón này sẽ giúp cây khỏe mạnh. 

Tần suất bón thúc phân hữu cơ và đạm cá hữu cơ: 10 -15 ngày/lần

Lưu ý chăm sóc rau má trồng bằng hạt: 

  • Nên dùng phân bón hữu cơ, tránh dùng các loại phân hoá học để không ảnh hưởng sức khoẻ
  • Trong quá trình trồng, nếu rau má bị sâu tấn công thì nên bắt sâu, lặt bỏ lá có sâu. Nếu sâu nhiều thì có thể sử dụng các chế phẩm sinh học trừ sâu

4. Thu hoạch rau má

Sau khoảng 2 tháng, bạn sẽ thu hoạch được lứa rau má đầu tiên. Mỗi vụ gieo hạt cho thu hoạch trung bình 8-10 lần

Khi thu hoạch nên cắt cọng rau má để tiếp tục được thu hoặc các vụ tiếp theo. 

Sau mỗi đợt thu hoạch, hãy bón phân đợt 2 vào các ngày thứ 10 và 20. Sau đó khoảng 1 tháng sẽ cho bạn thu hoạch lứa tiếp theo.

Rau má sau thu hoạch có thể để ăn hàng ngày, hoặc pha chế thành nước uống, làm đẹp,… Tuy nhiên, chỉ nên ăn rau má với lượng vừa phải, bởi dùng nhiều quá cũng gây tác hại.

III. Hướng dẫn trồng rau má bằng cành tại nhà

Trồng rau má bằng cành là một phương pháp trồng rau má đơn giản. Chúng ta có thể thực hiện như sau:

Dụng cụ chuẩn bị trồng rau má bằng cành:

  • Đất trồng chuyên dụng
  • Chậu hoặc thùng xốp

Nhiệt độ thích hợp: 25 – 30 độ C

Cách trồng rau má bằng cành:

  • Chọn những cây rau má phát triển tốt, sinh nhánh mạnh.
  • Dùng kéo hoặc dao sắc cắt lấy phần cành, nơi sinh rễ rau má
  • Trồng phần cành rau má đó vào đất sau đó tưới nước duy trì độ ẩm cho tới khi cây ra lộc mới.

IV. Hướng dẫn trồng rau má thuỷ canh

Trồng rau má thuỷ canh công nghệ cao, trồng rau má trong nhà kính là các tên gọi khác của phương pháp trồng rau má thủy canh. Phương pháp hiện đại này được đánh giá cao bởi chất lượng và sản lượng mà nó mang lại.

Dụng cụ chuẩn bị:

  • Lắp đặt hệ thống nhà kính
  • Giàn thủy canh tưới tự động
  • Máy sấy lạnh

Nhiệt độ thích hợp: 24 – 29 độ C

Cách trồng rau má thủy canh:

  • Ươm hạt rau má vào viên nén xơ dừa hoặc mút xốp chuyên dụng.
  • Sau khi tra hạt xong, tưới nước trên bề mặt của của viên nén xơ dừa và đổ nước vào khay ngập ¼ viên nén xơ dừa.
  • Đặt khay ươm vào vị trí râm mát khoảng 1 – 2 ngày, ở bước này có một lưu ý nho nhỏ khi hạt vừa nhú mầm đặt khay nơi có ánh nắng tránh để lâu trong bóng râm cây sẽ yếu, thân hơi dài.
  • Theo dõi cây con thường xuyên, tưới nước đều đặn tránh để viên nén xơ dừa bị khô. Khoảng 3 ngày cây đã nhú và ra hai lá mầm, đưa cây con lên khay và pha dinh dưỡng thủy canh nồng độ 300PPM.

V. Các bệnh thường gặp khi trồng rau má

Cây rau má là loại cây ít sâu bệnh, nhưng nó vẫn có thể bị tấn công bởi những loại sâu bệnh sau đây:

  • Nhện đỏ: Tấn công trên đọt non, chích hút nhựa làm lá nhỏ và dày, cây phát triển kém. Nhện đỏ còn là môi giới truyền bệnh virus. 
  • Sâu ăn tạp: Cắn phá lá, thường xuất hiện mùa nắng.
  • Gỉ sắt: Lúc đầu vết bệnh có màu nâu tím sau chuyển màu vàng liên kết nhau nằm ở mặt dưới lá.
  • Bệnh đốm lá: Xuất hiện những đốm màu nâu đỏ đều trên mặt lá, sau đó vết bệnh khô có màu xám, viền ngoài màu nâu, lây lan mạnh ra xung quanh. 

Khi thấy rau má có dấu hiệu sâu bệnh cần xác định đúng chủng loại bệnh và lựa chọn sản phẩm xử lý thích hợp.

VI. Mở rộng quy mô trồng rau má tại nhà ra trồng rau má chuẩn VietGap

Không còn mang tính tự phát như trồng tại nhà, người dân ở các tỉnh thành tại Việt Nam hiện nay có thể làm giàu từ cây rau má nhờ phát triển hình thức canh tác rau má tại các nông trường quy mô lớn. 

Bằng việc lựa chọn hạt giống chuẩn và làm đất đúng kỹ thuật, đảm bảo hệ thống cấp thoát nước, hạt rau má được gieo trên các luống đất với mật độ vừa phải. Những nông trường này áp dụng tiêu chuẩn canh tác Vietgap giúp xây dựng quy trình trồng rau sạch, chuẩn organic.

Các vùng trồng rau má nổi tiếng ở Việt Nam

Một số vùng trồng rau má theo diện tích lớn nổi tiếng ở Việt Nam có thể kể đến như:

  • Xã Quảng Thọ, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế
  • Huyện Bến Lức, Long An
  • Huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp
  • Thanh Hóa

VII. Câu hỏi thường gặp

  1. Có thể trồng rau má từ lá không?

Những chiếc lá xuất hiện sau khoảng 3 ngày hạt giống rau má nảy mầm. Tuy nhiên, không giống như cây bỏng, hoa đá, cây rau má không thể trồng từ lá. Bộ phận trồng rau má là hạt và cành, nơi có mấu sinh rễ.

  1. Làm thế nào để trồng rau má cho lá to hơn?

Muốn cho rau má có lá to thì khi trồng cần chú ý lựa chọn giống rau má mỡ, chăm sóc đúng cách, đảm bảo đất tơi xốp và thoát nước tốt.

  1. Rau má có sống trong nước được không?

Rau má có thể trồng được trong nước vì vậy ngoài các phương pháp trồng trên đất thông thường người ta còn sử dụng các phương pháp trồng thủy sinh, thủy canh cho năng suất, chất lượng cao.

  1. Trồng rau má có cần ánh nắng mặt trời?

Rau má là loại cây ưa sáng do đó khi trồng cây rau má cần cung cấp đủ ánh sáng cho cây. Tuy nhiên, thời điểm vừa gieo hạt thì cần che chắn để tạo độ ẩm tốt nhất cho cây. Sau khi hạt nảy mầm và ra lá non thì bắt đầu tạo môi trường thông thoáng để cây quang hợp.

  1. Có thể trồng rau má trong nhà không?

Có thể trồng rau má trong nhà tuy nhiên cần đặc biệt chú ý ánh sáng cần thiết để cây quang hợp và sinh trưởng.

  1. Rau má có trồng dưới bóng râm được không?

Rau má có thể trồng được dưới bóng râm tuy nhiên cần đảm bảo không bị úng nước và có đủ ánh sáng để quang hợp.

X